Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

"Bộ trưởng phải làm được cả việc lớn, việc nhỏ!"

11/01/2012 | 18:50

“Có người nói Bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công? Tôi cho rằng Bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trao đổi.

VnMedia trích đăng một số câu hỏi được người dân đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại buổi đối thoại do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 12/1.
.
- Người dân rất cảm kích trước việc Bộ GTVT nhận trách nhiệm về những vụ cháy nổ xe gần đây. Vậy Bộ trưởng có thể cho người dân biết lộ trình giải quyết việc này như nào?

Hiện nay Bộ Công an đã vào cuộc điều tra các vụ cháy, nổ xe này để xử lý. Nhưng như tôi nói, về mặt lâu dài, Bộ Giao thông vận tải với trách nhiệm được Chính phủ giao là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Khi kiểm tra và nhận thấy các quy định trong lĩnh vực này còn có khoảng trống, chúng tôi đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát lại toàn bộ, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, bao quát được các giai đoạn từ sản xuất, lắp ráp, đưa vào lưu thông, vận hành, quy định bắt buộc về bảo dưỡng, sửa chữa, về các trạm bảo dưỡng, sửa chữa…

Sau khi có quy định và tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện, tôi nghĩ các hiện tượng có xảy ra cũng quy được trách nhiệm, và khi quy được trách nhiệm sẽ có tác động ngược trở lại, hạn chế các hiện tượng trên. Dĩ nhiên, có những trường hợp bất khả kháng không thể quy trách nhiệm như chuột cắn dây, dẫn dến rò xăng và gây cháy thì chúng ta phải chấp nhận.

Ảnh minh họa

                   Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối thoại với người dân.

- Một số ý kiến cho rằng, khi trực tiếp “trảm tướng”, yêu cầu các chủ dự án tăng tốc hoàn thành tiến độ, Bộ trưởng bất đắc dĩ phải đi đốc công, làm thay việc của Thứ trưởng, thậm chí Cục trưởng. Phải chăng công tác điều hành quản lý dự án ở Bộ GTVT đang có vấn đề?

Câu hỏi này rất thú vị. Tôi thấy rằng, đã là người đứng đầu ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc thì phải có các ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì Bộ trưởng mới “ra tay”.

Có người nói Bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công?. Tôi cho rằng Bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ.

Ví dụ, tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Cho nên, Bộ trưởng phải làm được cả việc lớn, cả việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước. 

-  Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ sao về sân bay Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã dột. Tiến độ kịp nhưng chất lượng hình như chưa theo kịp?

Thứ nhất, công trình sân bay Đà Nẵng đã chậm tiến độ 2 năm, nên không thể nói là kịp tiến độ mà chất lượng kém. Sau khi báo chí phản ánh công trình sau khi khánh thành có chuyện dột, chúng tôi đã kiểm tra và thấy như thế này: Công trình sử dụng thiết kế của nước ngoài, sảnh đón khách đến hơi hẹp, không phù hợp với  tâm lý, tình cảm của người Việt Nam là thường đi đón rất đông.

Sau khi phát hiện ra điều này, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại theo hướng cải tạo một sảnh trước kia vốn để dùng đặt chậu hoa, không có mái thành nơi đón khách. Một là do thời gian gấp, hai nữa là phải ghép phần mái mới với phần mái cũ, cho nên có hiện tượng dột. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục và theo báo cáo của chủ đầu tư thì tới 15/1 sẽ hoàn thành.

Hiện nay, tiến độ các công trình giao thông vận tải đúng là vấn đề nhức nhối. Để khắc phục, chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quản lý về tiến độ, chất lượng, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư, nếu công trình kém, tiến độ chậm thì chủ đầu tư, các chủ thể tham gia như ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chúng tôi phải có phân công trong lãnh đạo để kiểm tra, giám sát… Cũng rất quan trọng là sự giám sát của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều bài báo đã giúp chúng tôi phát hiện vấn đề, có biện pháp xử lý quyết liệt.

Với những giải pháp như vậy thì các vấn đề tồn tại sẽ dần được xử lý, chứ đúng như các bạn nói, một mình tôi không thể đi hết được, trong khi những vấn đề thì quá nhiều và quá rộng. Hơn nữa, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có hiệu ứng lan tỏa, quyết chỗ này thì chỗ khác cũng phải lo, “quyết một chỗ nhưng rung toàn bộ”.

Ảnh minh họa

                   Bộ trưởng Thăng thăm công trình sân bay quốc tế Đà Nẵng và
                                      trảm tướng chậm tiến độ công trình.

- Trong cuộc chiến chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT có công cụ nào, khi thẩm quyền quyết định giờ làm, phân luồng phân làn thuộc về chính quyền các thành phố lớn, thẩm quyền xử phạt thuộc về Bộ Công an?

Câu hỏi này rất thú vị, tưởng dễ mà lại khó, tưởng là khó lại là dễ. Vì chúng ta phải xác định, việc chống ùn tắc giao thông tại các thành phố là trách nhiệm của UBND các thành phố, Bộ GTVT với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có trách nhiệm phối hợp.

Tuy nhiên, chúng tôi không nhất thiết phải trực tiếp đi phạt, đi thu tiền thì mới thực hiện được nhiệm vụ quản lý. Ngành GTVT quản lý về thể chế, chính sách, quản lý bằng pháp luật các hoạt động trong lĩnh vực GTVT trên phạm vi cả nước, quản lý bằng công cụ kiểm tra, giám sát.

Ví dụ, vừa rồi, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã giải thể khoảng 6 công ty taxi tại Hà Nội, 5 công ty tại TPHCM. Và trong quá trình thực hiện, các quy định của pháp luật chưa phù hợp, chúng tôi có trách nhiệm cập nhật, trực tiếp sửa đổi hoặc đề xuất Chính phủ, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi… để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là những công cụ của ngành GTVT.

- Bộ trưởng có sợ mất chức không khi đưa ra những giải pháp quyết liệt như vậy?

Sau 5 tháng làm Bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận cán bộ, công nhân viên chức ngành GTVT, dù cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay, nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.

Về việc sợ có mất chức không, tôi xin trả lời như sau: Vừa rồi, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bức thư viết: "Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn, chúng tôi sẽ mời ông các món ăn dân dã nhưng rất ngon như tôm, cua, cá, ốc, ếch, chiều chiều chúng tôi sẽ mời ông đi thả diều, cũng vui lắm, không nhất thiết phải làm việc nọ hay việc kia..."

Cho nên, tôi hết sức thanh thản, làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án